Header Ads

test

CÔNG TY VÔ VĂN HOÁ


Sếp, em giới thiệu cho anh một Giám Đốc Nhân Sự rất giỏi. Chị này vừa nghỉ việc ở một công ty Đa Quốc Gia lớn. Chị đã có 18 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng Văn Hoá Doanh Nghiệp rồi. Những nơi chị đi tới sau đó đều có Văn Hoá rất tốt, mọi người gắn kết với nhau và rất vui vẻ.
Vậy hả, mời về gấp cho anh. Công ty đang rất cần, càng nhanh càng tốt nhé. Tụi nó đang chia rẽ, bè phái dữ quá nên phải xây dựng lại Văn Hoá công ty liền.
Thế là trong phút chốc, hợp đồng hôn nhân của Giám Đốc Nhân SựGiám Đốc Điều Hành được hình thành trong biết bao kỳ vọng. Nhưng 6 tháng sau công ty từ có Văn Hoá yếu trở thành công ty VÔ VĂN HOÁ.
Ui chu choa mạ ơi, cái chi mà loạ rứa !!!
Nguyên nhân lớn nhất của Sai Lầm này là do CEO không hiểu rõ Văn Hoá Công Ty được xây dựng dựa trên cái gì và duy trì như thế nào. Mà khi không biết thì thuê người giỏi cỡ nào cũng vô ích, không làm được đâu. Nhiều công ty bị xúi dại nên vội vã thuê người hoặc bị GĐNS dỏm vẽ bùa mà không biết nên đốt rất nhiều $$$$$$$$$$$$$$$$$$. Thật tội, đã nghèo còn mắc cái eo.
VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP ĐƯỢC TẠO RA TỪ ĐÂU ?
Từ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Việc ban giám đốc và cả đội ngũ sống và làm việc đúng với Giá Trị Cốt Lõi của doanh nghiệp trong một thời gian dài sẽ tạo ra Văn Hoá.
GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA DOANH NGHIỆP LÀ GÌ ?
Ê, thằng đó "chơi được"lắm. "Chơi được" chính là giá trị cốt lõi của cá nhân và đại diện cho phẩm chất, tính cách, hình ảnh của một người nào đó. Vậy thì giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp cũng tương tự, đó là những tính từ mô tả đặc tính và hình ảnh của doanh nghiệp và là nền tảng hình thành văn hoá công ty.
Trong một mối quan hệ, hai người rất khó đi lâu dài với nhau nếu giá trị cốt lõi quá khác nhau. Một người chính trực không thể hợp tác với người không chính trực, một người biết đồng cảm quan tâm rất khó làm việc hay chơi thân với một người vô cảm. Việc phát triển kinh doanh của một công ty cũng tương tự, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp như thế nào sẽ thu hút đúng kiểu nhân viên, đối tác và khách hàng thế đó. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.
Khi giá trị cốt lõi không rõ ràng văn hoá doanh nghiệp sẽ không được định hình, công ty rơi vô tình huống tuyển nhầm người không phù hợp, cá mè một lứa, xấu tốt trộn lẫn. Kết quả là người tốt đi hết, người không phù hợp ở lại . Thế là bất chấp tầm nhìn, ý tưởng và nỗ lực của ban giám đốc, doanh nghiệp cứ ngày một yếu dần đi mà không cách nào khắc phục được.
A HA, THẾ THÌ HÃY ĐƯA THẬT NHIỀU GIÁ TRỊ CỐT LÕI TỐT ĐẸP VÀO ĐỂ XÂY DỰNG VĂN HOÁ LÀNH MẠNH CHO CÔNG TY.
Cách làm này cũng sai nốt vì khi nhắc đến một ai đó, chúng ta chỉ nhớ khoảng 4 - 5 tính từ mô tả người đó là tối đa, trừ khi bắt buộc phải ngồi suy nghĩ và liệt kê ra. Khách hàng, đối tác cũng vậy, họ chỉ nhớ một vài điểm nhấn về công ty thôi, đừng tham quá. Do đó, chúng ta chỉ cần xác định một vài giá trị cốt lõi quan trọng nhất để xây dựng văn hoá cho doanh nghiệp là được. Với lại có quá nhiều giá trị cốt lõi sẽ không thể nào triển khai kế hoạch hành động hết được.
XÁC ĐỊNH XONG RỒI MÀ VẪN CHẾT.
Chết là đúng vì chỉ nói miệng mà không làm gương thì chẳng có nhân viên nào làm theo, mà không có ai làm theo thì mọi thứ chỉ trên giấy tờ, sẽ không bao giờ trở thành văn hoá doanh nghiệp được. Điều này lý giải tại sao thuê Giám Đốc Nhân Sự giỏi về cũng vô ích.
Để đảm bảo xác định đúng giá trị cốt lõi của một người nào đó, chúng ta cần quan sát hành vi chứ không phải là lời nói suông của họ. Những hành vi này phải đồng nhất, được lặp đi lặp lại trong nhiều bối cảnh khác nhau chứ không chỉ một lần. Văn hoá doanh nghiệp cũng vậy, chủ doanh nghiệp và ban giám đốc cần phải là người tiên phong trong việc đại diện cho các giá trị cốt lõi của công ty trước bằng lặp đi lặp lại những hành vi thể hiện giá trị cốt lõi đó một cách đồng nhất trong mọi hoàn cảnh. Chỉ khi ban giám đốc làm trước thì mới mong nhân viên cấp dưới thực hiện, về lâu về dài sẽ tạo thành văn hoá doanh nghiệp. Điều này thì công ty đa quốc gia đang làm tốt và rất kỷ luật, ai làm bậy là lên đường ngay bất kể chức vụ cao như thế nào. Và đó là lý do họ phát triển bền vững và mở rộng ra nhiều quốc gia mà hoàn toàn không lo lắng gì hết.
TẠI SAO NÓI ĐƯỢC MÀ KHÔNG LÀM ĐƯỢC ?
Vì xác định sai bét giá trị cốt lõi. Xác định sai, viết xuống sai thì sao làm được.
Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp được tạo ra bởi CEO hoặc bởi một nhóm đồng sáng lập nên sẽ tương đồng với giá trị cốt lõi cá nhân của CEO hoặc của nhóm sáng lập đó. Tuy nhiên nhiều CEO đưa ra giá trị cốt lõi theo cách copy từ doanh nghiệp khác vì nhìn có vẻ hay. Tuy nhiên những cái có vẻ hay lại không giống với giá trị cốt lõi của CEO hoặc không nằm trong các mục ưu tiên. Mà khi không giống và không ưu tiên thì sẽ không nhớ và không làm theo được.
Nhiều ông sợ người ta cười hoặc không dám cộng tác với mình nên ráng viết chữ "Chính Trực" vô bộ giá trị cốt lõi của công ty, trong khi đó doanh nghiệp kinh doanh trong ngành phải đưa hối lộ mới sống được (Môi trường VN có rất ít ngành có thể làm kinh doanh một cách minh bạch, không hối lộ mà vẫn sống được - Tổ cha tụi quan chức cưỡng bức doanh nghiệp đưa hối lộ). Thế là sau một thời gian gồng mình sông chính trực, không hối lộ, công ty bị kẹt lại. Để cứu công ty, ban giám đốc phải quay lại con đường cũ. Thế là xong, văn hoá doanh nghiệp tan nát vì nhân viên thấy sếp làm khác những gì đã nói và mất lòng tin. Rồi không ai còn làm theo những cái đã viết ra nữa. Mèo lại hoàn mèo.
Vậy hãy xác định giá trị công ty bằng chính giá trị của mình cho chắc, đừng bắt chước. Xác định cái gì là xương máu của mình và không phải gồng mình để sống với nó thì văn hoá mới hình thành được. Viết ít thôi, nhưng làm cho nhiều.
CÓ THỂ THAY ĐỔI GIÁ TRỊ CỐT LÕI KHI TẦM NHÌN VÀ CHIẾN LƯỢC KINH DOANH CỦA CÔNG TY THAY ĐỔI KHÔNG ?
Câu trả lời là không. Đơn giản vì chẳng ai dám hợp tác với một người hôm nay là chính trực, ngày mai lại không, hôm nay là đồng cảm, ngày mai lại không có. Một doanh nghiệp mà cứ thay đổi giá trị cốt lõi xoành xoạch thì văn hoá doanh nghiệp đó cũng không bao giờ được định hình rõ nét và rất khó phát triển bền vững. Do đó hãy xác định thật kỹ trước khi quyết định giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là gì, lúc no cũng như lúc đói, lúc sống còn cũng như lúc phát triển đột phá, không bao giờ được thay đổi. Cái móng chắc thì cái nhà mới vững được.
Cho dù giá trị cốt lõi có là gì, hãy lấy con người làm trọng tâm trước. Con người là sống, quy trình là chết. Thiếu đội ngũ giỏi và gắn kết ban giám đốc chả làm gì được dù ý tưởng hay đến mấy đi chăng nữa. Nhớ câu này dùm "Nhân viên sẽ đối xử với khách hàng của bạn theo cách bạn đối xử với họ" để nghĩ xa hơn. Đừng coi nhân viên là công cụ, họ là cộng sự.
P/S 1: Những công ty treo đầy giá trị cốt lõi mà ban giám đốc không làm gương cho những giá trị cốt lõi đó, nói một đằng làm một nẻo đã đi tong và sắp đi tong rồi. Đừng là công ty tiếp theo.
P/S 2: Nhiều HR đang gánh phải trách nhiệm xây dựng văn hoá doanh nghiệp nhưng các bạn sẽ không bao giờ thực hiện thành công nếu ban giám đốc không hiểu gì về Giá Trị Cốt Lõi hoặc không làm gương cho Giá Trị Cốt Lõi của công ty. Hãy gửi bài này cho sếp trước khi làm tiếp, nếu không bị đánh giá không tốt ráng chịu.
P/S 3: Không tin những gì ở trên thì nhìn 2 cái hình ở dưới là đủ.
P/S 4 : Sưu tầm tác giả Nguyễn Thanh Phong

Không có nhận xét nào